[TRUYỆN NGẮN] MẸ ƠI, VỀ THÔI…

“Mẹ ơi, cùng con về lại thuở đôi mươi. Ngày hoa nở hương toả ngát đời. Cớ sao hương đời lại phũ phàng chua chát. Đời hương của mẹ, con hiểu con thương…”

[Truyện ngắn] Mẹ ơi, về thôi…

“Kiểu này đẹp quá, gái mua cho mẹ áo khoác này nha.”

“Gái chụp cho mẹ mấy tấm hình đẹp đẹp, về đăng lên mạng.”

“Đến sinh nhật mẹ, gái dẫn mẹ đi đây chơi nha.”

Mẹ lại làm nũng, đòi quà. Nhi vừa lôi chiếc laptop từ trong ba lô ra vừa lẩm bẩm, mặt nhăn mày nhó. Dù đã quá quen với những lần như thế nhưng nó vẫn cảm thấy khó chịu mỗi khi được mẹ gọi. Căn nhà nhỏ chỉ có hai người, từ sớm đến tối mịt chẳng mấy khi nghe tiếng Nhi. Cô chú bên xóm hay bảo nhau về nhỏ “Nhỏ Nhi sống lầm lì, khó chịu lắm”. Có người mới dọn đến còn tưởng trong nhà chỉ có một mình mẹ Nhi sống. Căn nhà qua bao mùa mưa nắng ấy là do ngoại để lại cho mẹ con nó. Nhiều lần mẹ nó kêu sửa chỗ này, chỗ nọ, nó nhất quyết không chịu. Cái lý do cửa miệng luôn luôn là “Chỗ này hồi đó ngoại hay ngồi ăn cơm, chỗ kia ngoại hay nằm ngủ buổi trưa, còn chỗ nọ – cái chỗ mà ngoại nằm li bì 3 tháng rồi đi luôn…”. Nhi nó thương ngoại lắm. Ngày ba nó đuổi theo bóng lưng người phụ nữ khác, nó theo ngoại về quê rồi bám dính lấy bà từ lúc lên ba. Nó giống ba lắm nên ngoại lo, người ta đã không ưa ba thì thấy nó chỉ như cái của nợ “Mày ở đây là người ta ghét, mẹ mày cũng không yên được”, ngoại nó hay bảo vậy. Về quê không được bao lâu thì sức khoẻ ngoại đi xuống. Có lẽ bà cũng biết mọi chuyện tồi tệ sắp xảy ra nên bán hết đồ đạc, nhà cửa ở quê rồi lên lại thành phố, trích ra khoản tiền mua căn nhà nhỏ này – nơi mà Nhi cùng mẹ đã ở suốt mười lăm năm qua.

Mỗi lần Thơ sang chơi đều thấy cái mặt cau có của nhỏ Nhi, Thơ cứ trêu “Tao thèm được mẹ kêu vậy mà không được đó. Mẹ tao chỉ hay gọi quen tên mấy người bạn cụng ly với bà thôi”. Những lúc nghe thế, Nhi lại gật gù muốn được như Thơ cho đỡ mệt. Thơ sống ở căn nhà ba tầng đối diện, ba mẹ Thơ cũng ly hôn. Ngày mưa năm nọ, con Nhi lầm lì tiến đến bắt chuyện với một đứa con gái đầu tóc bù xù, khóc tức khóc tưởi vì mới bị mẹ đánh. Nói chuyện một hồi thì mới biết, nhỏ đó tên Thơ, cũng không có hai chữ gia đình trọn vẹn như mình, Nhi mới bắt đầu ghi tên Thơ vào danh sách đứa bạn thân đầu tiên, vì cả hai có nhiều đồng cảm. Đôi lúc, một mối quan hệ chỉ cần bắt đầu khi có chung nỗi đau mà thôi…

Hôm ấy Nhi về sớm, chẳng hiểu trời xui đất khiến gì mà nó tìm ra được những bức ảnh cũ của mẹ. Từ cái hồi mẹ còn đi học lớp tám, lớp chín, mẹ từng kể nhà ở dưới quê cũng thuộc dạng rất này nọ. Đúng thật, nó thấy mẹ ăn mặc rất ra dáng vóc tiểu thư. Mẹ là gái út trong nhà, hồi đó được ông bà ngoại thương và chiều chuộng lắm. Nhưng không may sau đó, mùa màng thất thoát, ông bà cũng bán gần hết đất ở dưới quê. Lật thêm vài trang trong sự hối thúc của cuốn băng hồi ức, Nhi cảm giác mình đang cùng mẹ tìm về ngày xưa. Mà cũng có thể là nó đang đi tìm câu trả lời chăng. Tay nó cứ thế mà lật, lật, từng trang, từng trang rồi khựng lại ở những bức ảnh cưới. Đã lâu rồi nó không còn thấy người đàn ông đó – người cùng mẹ nâng ly ngày chung đôi – người rất bảnh bao trong bộ áo chú rể – là ba nó. Cũng không biết từ bao giờ cái tiếng ba không còn nằm trong từ điển của nó. Nó lắc đầu, cười nhẹ. Tôi không biết nó đã thật sự tha thứ cho người đàn ông đó chưa. Lúc ấy, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng lòng đầy chua chát trong hơn mười lăm năm của nhỏ lầm lì này thôi.

“Mẹ ơi, đưa con về với những ngày xưa cũ. Ngày mà đôi mắt ấy vẫn long lanh, đen huyền trong những giấc mơ của con. Ngày ấy có ông, có bà, có mâm cơm đầy ắp tiếng cười rộn rã. Ngày mà mẹ vẫn còn cài bông hồng nơi ngực trái bồi hồi. Ngày xưa của mẹ, con hiểu con thương.

Mẹ ơi, cùng con về lại thuở đôi mươi. Ngày cô thôn nữ e ấp trong tình yêu đôi lứa. Ngày người còn hứa hẹn đôi điều. Ngày tấm thân vàng ngọc chưa trót dại trao ai. Ngày hoa nở hương toả ngát đời. Cớ sao hương đời lại phũ phàng chua chát. Đời hương của mẹ, con hiểu con thương.

Mẹ ơi, về cùng con trong những tiếng ru hò. Ngày bé thơ vẫn còn đỏ hỏn. Con ra đời là hạnh phúc của mẹ cha. Thứ hạnh phúc ngắn ngủi chỉ vài năm. Cha khuất bóng sau khi đi xa làm ăn đôi lần. Chiếc xe cà tàng để lại như chút tình nghĩa mong manh cuối cùng. Căn nhà nhỏ quạnh hiu, gió lạnh phảng phất thấu tận tâm can. Những tiếng ru ngắt quãng dần trong tiếng nấc của mẹ …“Gió đưa cây cải về trời, rau răm ở lại chịu đời đắng cay”… Lời ru của mẹ, con hiểu con thương.

Mẹ ơi, cùng con về trong ánh lửa đêm đông. Ngày ông bà đi nước mắt mẹ chảy dài. Hoa hồng trắng bùi ngùi mẹ cài, thế gian từ đây vắng bóng đấng sinh thành. Mẹ mua về những bài kinh Phật dạy, đạo làm con hiếu thảo phải làm sao. Nhưng mọi thứ chỉ còn trên trang giấy, những điều mẹ muốn làm đã bị chia ngăn bởi nắm đất lạnh lùng kia. Cả thanh xuân mẹ dành cho những người đàn ông của mình nhưng rồi ai cũng có lý do để xa. Cứ nghĩ quay về sẽ có ba má đợi, để yêu thương được trọn vẹn ở hai chữ gia đình, nhưng rồi quy luật sinh – diệt đời này có thương gì cho người phụ nữ ấy. Khao khát được yêu mãnh liệt như ngọn lửa đêm đông. Dù ngọn lửa bùng lên thiêu đốt hết những tháng ngày hoang dại thì vẫn còn những mảnh vỡ thuỷ tinh ở đó – mảnh vỡ của những cuộc tình đã qua. Yêu thương của mẹ, con hiểu con thương.

Mẹ ơi, về thôi. Con đã bước qua bao hồi ức cùng mẹ. Cuộc đời người phụ nữ bé nhỏ đầy cay đắng. Có làm sao khi bây giờ mẹ mong muốn được yêu thương như một đứa trẻ vậy. Ai thì cũng mang trong mình một đứa bé mà thôi, phải không mẹ? 

Con đã hiểu và con mong mẹ cũng sẽ hiểu: Ai ai cũng thương mẹ, chỉ là mẹ không biết mà thôi. Đất trời thương mẹ. Ánh nắng chan hoà thương mẹ. Gió đu đưa cùng những tán lá kia cũng rất thương mẹ. Chữ thương không nằm lại ở những mối tình tan vỡ, không được đặt để ở những mất mát cuộc đời. Mẹ của con, chỉ cần mẹ thương chính mình thì mẹ sẽ thấy mọi người, mọi điều xung quanh đều thương mẹ. Chỉ cần hiểu sẽ có thương. Thế giới này còn đẹp lắm, mẹ ơi!”

Những suy nghĩ đang lần lượt thể hiện mình trong tâm trí Nhi thì bị cắt ngang bởi tiếng máy nổ giòn tan của chiếc wave quen thuộc hàng ngày mẹ nó đi. Nhi giật mình, cất vội những tấm hình còn đang nằm gọn trong tay. Nó nuốt nghẹn, cố thể hiện như bản tính lầm lì bấy lâu. “Nay mưa lớn hả ta, bình thường thấy mẹ về là chui tọt vào phòng, sợ mẹ làm ồn mà. Hôm nay lại ra đón mẹ, lạ vậy”. Nó nhìn chằm chằm vào hai bàn tay rám nắng của mẹ, cứ nhếch môi lên xuống muốn cười một cái thật ngọt, vậy mà cũng ngại. Nó không biết từ bao lâu rồi việc chạy đến sà vào lòng mẹ lại khó như vậy. Nhi là đứa rất thích những trò mạo hiểm, luôn mạnh miệng khoe với Thơ những kỷ lục chinh phục mới của mình. Riêng chỉ có việc bước vài bước chân đến ôm mẹ là khó với nó lúc này. Con người ta khi lớn thường thích làm những chuyện vĩ mô bên ngoài thôi chăng? “Nay gái sao vậy?”, mẹ Nhi bắt đầu tiến lại gần và lo lắng khi nghe thấy những tiếng lẩm bẩm từ nó. “Mẹ…về thôi…về thôi mẹ ơi…”. Dòng ký ức từ xa xôi vẫn miệt mài chảy trong suy nghĩ của Nhi. Càng đến gần mẹ, càng nhìn mẹ lâu, Nhi càng cảm thấy dòng chảy ấy mãnh liệt hơn trong mình. Đến bây giờ Nhi đã hiểu lý do mà mẹ nó hay đòi quà, hay làm nũng, hay hờn dỗi, hay muốn được nó quan tâm, được nó yêu thương. Nhưng tiếc thay, dòng ký ức đó vẫn chưa đủ mạnh để tuôn ra nơi đầu môi cô gái nhỏ một cách thật to rõ những lời xin lỗi và thấu hiểu. Nhi vòng tay, khoác thật chặt vai mẹ “Mẹ, về rồi…Ăn cơm thôi”. Nói rồi nó đưa mắt nhìn sang căn nhà ba tầng đối diện. Mọi người lại xúm tụm bàn chuyện gì đấy. Tiếng khóc của nhỏ Thơ. Mẹ nó lại say xỉn rồi kiếm cớ đánh nó. Nhi lập tức chạy sang thì nhỏ ra đóng rầm cửa lại “Chuyện thường ngày. Tao không sao, mày về đi”. Nụ cười của Thơ làm Nhi thấy nghẹn lòng. Chắc nhỏ vui vì được mẹ gọi tên, Nhi tự an ủi chính mình. Tiếng gọi cùng vài tiếng la hét, chửi bới, rồi những tiếng roi quất đành đạch, vậy mà nó cũng chịu, Nhi đưa mình về lại thực tại. Chỉ cần được mẹ quan tâm, dù là hình thức kiểu gì, với Thơ nó cũng nghĩ là đáng, chỉ là do mẹ say thôi. Nó cố tìm một lý do thích đáng như thế. Cái ý nghĩ của Thơ, chẳng khác nào những cơn gió đang thổi hồn qua nơi này, thoạt đầu thì có vẻ man mát và xoa dịu, nhưng càng đắm mình vào đấy thì lại run người đến lạ. 

Bầu trời về đêm càng thêm lạnh. Cái lạnh xuyên qua lớp da thịt rồi chạy thẳng vào tim. Phận đời của những đứa trẻ ngỡ mình lớn vẫn tiếp diễn nơi Sài Gòn phồn hoa… 

Similar Posts

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *